NÓI CHUYỆN CHUYÊN ĐỀ: "CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ KỸ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC DÀNH CHO CÁC EM VẬN ĐỘNG VIÊN"
Trung tâm TDTT Quận 1 là đơn vị tuyển chọn và đào tạo các em vận động viên nữ các bộ môn từ tuyến năng khiếu đến đội tuyển, ngoài việc đào tạo chuyên môn thì Trung tâm còn đặc biệt chú trọng đến vấn đề đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội để giúp cho các em phát triển toàn diện.
Nhằm giúp cho các em vận động viên bóng đá nữ tại Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 có thể hiểu để tự chăm sóc sức khỏe và có khả năng tự kiềm chế được những cảm xúc của bản thân mình đang trong độ tuổi phát triển, chiều ngày 27/4/2023 Trung tâm Thể dục Thể thao Quận 1 đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “CHĂM SÓC SỨC KHỎE VÀ KỸ NĂNG KIỂM SOÁT CẢM XÚC DÀNH CHO CÁC EM VẬN ĐỘNG VIÊN” do Bác sĩ Nguyễn Nguyệt Cầu – Trưởng phòng Y tế Quận 1 trình bày, tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Đoàn Phước – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Trung tâm TDTT Quận 1 và hơn 100 em vận động viên bóng đá nữ tại đơn vị.
Tại buổi chuyên đề, Bác sĩ Cầu đã truyền tải cho các em vận động viên biết được tại sao phải tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, chăm sóc sức khỏe khi tập luyện và thi đấu, chăm sóc về giới tính và sức khỏe sinh sản. Bác sĩ Cầu đã chỉ ra những nguyên nhân các em thường gặp phải song song đó là các biện pháp để hướng dẫn các em khắc phục để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.
Ngoài ra Bác sĩ Cầu cũng trình bày những biểu hiện cảm xúc thông thường của các em gặp phải trong thi đấu thể thao: “Trong thể thao hiện đại hiện nay, nhất là trong một số cuộc thi đấu lớn, một số huấn luyện viên, vận động viên thường sử dụng một số phát ngôn và hành vi gây hấn. Những phát ngôn và hành vi này thường tiến hành trước và trong mỗi cuộc thi đấu nhằm mục đích phá vỡ sự tập trung của đối thủ, tạo ra sự ức chế tâm lý, không điều chỉnh được thái độ, hành vi, làm cho đối phương từ bỏ mục đích thi đấu đã đề ra. Nếu vận động viên tham gia vào cuộc đấu tâm lý này, họ có nguy cơ phá vỡ trạng thái cảm xúc của mình, trở nên quá kích thích hay đau khổ. Và như vậy, bằng việc phản ứng lại những phát ngôn hay hành vi gây hấn đó, vận động viên đã rơi vào cái bẫy của đối thủ. Cách tốt nhất khi đối phương thực hiện phát ngôn và hành vi gây hấn là hãy bỏ qua nó, kiểm soát cảm xúc của bạn và tập trung trở lại vào nhiệm vụ thi đấu trước mắt. Làm được như vậy, có nghĩa là bạn đã làm thất bại âm mưu của đối thủ”
Việc kiếm chế cảm xúc cho các em vận động viên có thể áp dụng thông qua quá trình huấn luyện theo ba giai đoạn sau: 1. Giai đoạn giáo dục cho vận động viên nhận thức về các biểu hiện cảm xúc tiêu cực, nguyên nhân và sự ảnh hưởng của nó; 2. Giai đoạn phân tích các kỹ thuật, biện pháp ứng phó; 3. Cuối cùng là giai đoạn tập luyện các kỹ năng thông qua các tình huống mô phỏng, thông qua thi đấu trong những điều kiện rất khác nhau để vận động viên có những trải nghiệm cảm xúc khác nhau.
Qua những nội dung do Bác sĩ Cầu trình bày, Trung tâm TDTT Quận 1 tin tưởng các em vận động viên sẽ biết tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân, vừa có chuyên môn tốt trong quá trình tập luyện song song đó là các em sẽ có được những kỹ năng sống, những đạo đức để làm người có ích cho xã hội và giúp cho các em phát triển một cách toàn diện.
'